Báo Phụ Nữ: Người khắc chữ "cuối cùng" trên hè phố

Mặc cho khói bụi và nắng gió, nơi góc phố Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa TP.HCM, người thợ khắc chữ Lê Tiến Dũng vẫn cần mẫn nâng niu từng nét chữ, giúp lưu giữ kỷ niệm cho từng khách hàng...

Khách

Buổi sáng, bất kể trời mưa hay nắng, người thợ khắc chữ ấy mang theo chiếc ghế và cây dù nhỏ ngồi vào “đúng vị trí” làm việc của mình. Ông có một chiếc hộp nhỏ đựng các vật dụng như dao, phấn và đặc biệt là bảy mũi khoan tự chế từ các thanh ống nước gắn kim mài dùng để khắc trên bảy loại vật liệu: nhựa, sừng, sơn mài, vàng, bạc, gỗ và các kim loại khác.

Khách hàng như cũng quen với lịch làm việc đúng 7g của ông. Buổi trưa, nhiều khi ông Dũng bỏ dĩa cơm nguội lạnh không kịp ăn vì khách nào cũng vội. Những chị tiểu thương, những cô bán quà lưu niệm cho khách du lịch trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi, thương xá Tax, những chủ tiệm kim hoàn quanh chợ Bến Thành đều là mối quen của ông “Dũng khắc chữ”.


Có khách hàng đặc biệt như hai cha con anh Hiếu, có thú vui dã ngoại bằng xe đạp khắp đất nước và họ muốn ghi lại cảm xúc không phải bằng hình ảnh hay nhật ký mà bằng chữ khắc trên nón bảo hiểm lịch trình các chuyến đi.

Anh Hiếu cho biết: “Hai năm nay, chữ của ông Dũng đã đầy trên hai chiếc nón bảo hiểm và theo cha con tôi mỗi cuộc hành trình. Mỗi khi nhìn vào nét chữ là tôi tưởng mình được trở lại chính địa danh đó. Cái hay là ông ấy diễn tả được cảm xúc của chúng tôi theo từng chặng đường khám phá, thử thách”.

Ông Dũng chia sẻ: “31 năm sống cùng hè phố, với tôi, không chỉ là cơ may mà còn là duyên nợ”. Ông nợ những cô cậu học trò mỗi buổi trưa, buổi chiều tan trường tặng nhau vài dòng lưu bút được khắc trên thước kẻ, bút máy với những lời nhắn gởi tha thiết… Những dòng chữ ấy không chỉ là chữ mà còn khắc vào tâm trí tuổi học trò.

Thợ và nghề

Việc khắc chữ, khắc hình là một nhu cầu không chỉ của khách du lịch nước ngoài mà cả khách hàng trong nước. Trên những chiếc chuông bằng đồng, khẩu súng thần công cũ kỹ, những đôi đũa tre, quạt tay bằng sừng, ly rượu bằng đá khách nước ngoài rất chuộng khắc hình chợ Bến Thành, bản đồ VN, cô gái đội nón lá, bận áo dài hay những linh vật phương Đông: hổ, báo, rồng, phượng, chữ VN.

Ông Dũng nói: “Cái khó nhất là phải viết bằng hai tay, phối hợp giữa năm ngón tay phải và hai ngón tay trái, ấn mũi khoan trên các loại vật liệu có độ cứng và mềm khác nhau; phải tập trung vào từng đường cong, nét chữ, khi đậm, khi lợt, đều tay, cân đối diện tích hình khối trong đầu, lơ đãng là hỏng ngay vì mỗi lần khắc chỉ trong vài giây. Tất cả là kinh nghiệm và trải nghiệm của người thợ”.

Tùy vào tên địa danh hay quốc gia, có nét chữ vươn thẳng, dứt khoát rõ ràng; có nét chữ bay bổng, mảnh mai, nhảy nhót nhưng tất cả luôn đều tăm tắp qua đôi tay tài hoa của ông Dũng.

Với bất kỳ ngôn ngữ nào: Nhật, Hoa, Thái, Campuchia, Ả rập, khách hàng chỉ cần đưa mẫu là ông Dũng sao chép được ngay từng đường ngang nét dọc. Có lẽ vì vậy, nhiều khách nước ngoài từ chỗ tò mò đến thích thú say mê cách khắc chữ của người Việt mà không máy móc nào có thể thay thế.

Trong khi các hình thức khắc chữ bằng máy, khắc vi tính hiện đại và kỹ thuật cao, phải cần thời gian lập trình từ 30 phút trở lên thì người thợ khắc chữ thủ công hoàn thành sản phẩm chỉ tính bằng giây đến vài phút.

Ông Dũng có những khách hàng quen thuộc là công dân của nhiều nước đang làm việc tại TP.HCM, mỗi lần rời VN lại tìm đến ông khắc vài chữ Việt lên các món quà dành tặng người thân. Ông Dũng còn tự hào vì được vinh dự khắc chữ lên các vật lưu niệm mà UBND TP.HCM dành tặng những đoàn khách đặc biệt là nguyên thủ các quốc gia.

Con đường Lê Lợi là nơi từng có thời gian tập hợp một đội ngũ nghệ nhân khắc chữ của Sài Gòn, nhưng trong giai đoạn khó khăn những năm 1980 - 1985, người bỏ nghề vì tuổi tác, người chuyển qua chép tranh nên nghề này dần mai một. Ông Dũng cũng phải chép tranh một thời gian nhưng không sống nổi nên tiếp tục đeo đuổi nghề khắc chữ.

Ông kể: “Tôi có may mắn là được học hai năm ĐH Kiến trúc rồi đi bộ đội. Một phần do chữ tôi viết đẹp, lại mê sưu tầm chữ đẹp nên số phận, cơm áo đẩy tôi gắn bó với công việc này. Tôi muốn truyền lại nghề nhưng người có học, có năng khiếu thì không chịu ngồi hè phố, còn người muốn học nghề thì lại không có năng khiếu, cũng chẳng đủ kiên nhẫn…”.

Song Khê 

Nguồn: Báo Phụ Nữ

http://phunuonline.com.vn/xa-hoi//nguoi-khac-chu-cuoi-cung-tren-he-pho-nbsp-/a21492.html


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng